Công văn chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đăk Nông
Lượt xem:
Ngày 31/10/2023 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đăk Nông đã ban hành công văn số 2141/SGDĐT-GDTrHQLCL về việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.
Theo đó Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau đây:
1. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ quản lý, giáo viên thuộc quản lý của đơn vị chấp hành nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm theo quy định tại các văn bản hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh,… Phối hợp với các cơ quan có liên quan tuyên truyền các quy định về dạy thêm, học thêm để Nhân dân và phụ huynh học sinh được biết, giám sát và thực hiện đúng quy định.
2. Đối với các cơ sở giáo dục
-Nhà trường chỉ được tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường sau khi thực hiện đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục,… theo quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND. Trong đó chú trọng một số nội dung như: tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học để thống nhất các nội dung liên quan đến việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thống nhất mức thu tiền học thêm theo thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường,…
-Tuyệt đối không được dùng bất cứ hình thức nào để buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm; không được dạy thêm, học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
-Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm (học sinh được quyền lựa chọn môn học và giáo viên giảng dạy) và được gia đình đồng ý (cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ trực tiếp ký vào đơn). Trên cơ sở tự nguyện của học sinh, Hiệu trưởng nhà trường tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh.
-Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm học thêm ngoài nhà trường. Giáo viên có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường (ở những cơ sở giáo dục đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép kinh doanh lĩnh vực giáo dục và được Sở Giáo dục và Đào tạo/Phòng Giáo dục và Đào tạo thẩm định, kiểm tra đủ điều kiện hoạt động lĩnh vực giáo dục), nhưng không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khoá khi chưa được sự cho phép (bằng văn bản) của Hiệu trưởng quản lý giáo viên đó.
-Hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm chỉ đạo và quản lý chặt chẽ về nền nếp chuyên môn trong nhà trường (không được cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm, không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá); chỉ đạo Tổ chuyên môn, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá (để tránh tình trạng ép điểm học sinh). Tổ chức quản lý và kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường; giám sát việc dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên nhà trường (yêu cầu giáo viên ký cam kết không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường); kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm học thêm. Ngoài ra, Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nếu để xảy ra các sai phạm về quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
3. Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố
-Tăng cường công tác kiểm tra (nhất là kiểm tra đột xuất) hoạt động dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn hoặc đơn vị quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
-Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, thường xuyên theo dõi, kiểm tra, chấn chỉnh và kiên quyết xử lý kịp thời (nếu có) hoạt động dạy thêm, học thêm trái quy định trên địa bàn.
4. Đề nghị UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức quản lý, kiểm tra việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
5. Đầu năm học, các cơ sở giáo dục xây dựng Kế hoạch dạy thêm, học thêm (nếu có thực hiện nội dung dạy thêm, học thêm) và thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo kế hoạch; đồng thời, báo cáo kết quả thực hiện công tác dạy thêm, học thêm của nhà trường về Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường THPT) và Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với các trường THCS) khi kết thúc năm học (trước ngày 15/6 hàng năm).
File: Công văn số 2141/SGDĐT-GDTrHQLCL ; Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ; Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ; Quyết định số 07/2020/QĐ-UBND